Tại công viên quốc gia Hổ và Báo Đông Bắc, có một nghề đặc biệt – “chủ tịch hộ khẩu” cho hổ Đông Bắc. Hoa văn trên cơ thể hổ Đông Bắc giống như dấu vân tay của con người, “chủ tịch hộ khẩu” cần phải phân biệt các cá thể khác nhau dựa trên vị trí, kích thước, màu sắc và hình dạng của hoa văn trên cơ thể hổ, để gán “chứng minh thư” cho hổ và vẽ “phả hệ” cho gia đình hổ. Đoàn Liên Như, làm việc tại trung tâm giám sát nghiên cứu của Cục Quản lý Công viên Quốc gia Hổ và Báo Đông Bắc, chịu trách nhiệm công việc này.
Hổ Đông Bắc là một trong những loài động vật biểu tượng cho sự bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu. Để bảo vệ hổ Đông Bắc và môi trường sống của chúng, Trung Quốc đã thành lập công viên quốc gia Hổ và Báo Đông Bắc với diện tích hơn 14.000 km², trải dài qua hai tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang. Khu vực mà Đoàn Liên Như làm việc có hơn 5.000 camera hồng ngoại, mỗi ngày, cô phải đối chiếu hàng trăm bức hình giám sát hổ Đông Bắc.
“Chứng minh thư” và “phả hệ” có thể cung cấp nhiều dữ liệu cơ bản cho công tác nghiên cứu và bảo vệ hổ Đông Bắc. “Chủ tịch hộ khẩu” không chỉ được tận hưởng niềm vui theo dõi hổ từ xa mà còn âm thầm cống hiến cho công tác bảo tồn hổ và báo. Những năm gần đây, với sự cải thiện của môi trường sinh thái, ngày càng nhiều hổ và báo trở lại. Theo dữ liệu liên quan, trước khi công viên quốc gia Hổ và Báo Đông Bắc được thành lập, chỉ có 33% hổ Đông Bắc non sống sót đến tuổi trưởng thành, nhưng hiện nay hơn 50% hổ Đông Bắc non có thể sống sót đến trưởng thành.
Hổ Đông Bắc không biết rằng ở phía bên kia của camera hồng ngoại có một “chủ tịch hộ khẩu” đang lo lắng cho chúng, nhưng Đoàn Liên Như vẫn nỗ lực làm việc. “Tôi hy vọng con người và động vật hoang dã có thể sống hòa thuận. Hy vọng thiên nhiên ngày càng trở nên tươi đẹp hơn,” Đoàn Liên Như cho biết.
Thẻ động vật: Hổ Đông Bắc, Công viên Quốc gia